Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý tiêu hóa thường gặp, gây ra nhiều triệu chứng đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân. Người mắc hội chứng ruột kích thích cần tuân thủ một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
1. Sơ lược về hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng đường tiêu hóa mãn tính, dễ tái phát. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng: viêm đường ruột vì ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, rối loạn nhu động ruột, dùng nhiều kháng sinh đường ruột gây loạn khuẩn, rối loạn tâm thần, uống nhiều rượu bia,…
Triệu chứng điển hình của hội chứng ruột kích thích là rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài và đau bụng. Người bệnh thường gặp phải một số vấn đề như chướng bụng, tiêu chảy, táo bón, tần suất đi ngoài nhiều hơn người bình thường, trong phân có thể có lẫn máu,… Bên cạnh đó, bệnh nhân thường bị đau đại tràng, vùng đau bụng là hai bên mạn sườn, đau nhiều sau khi ăn no, sau khi ăn đồ cay nóng, đồ lạnh, rau sống, tiết canh,… hoặc khi căng thẳng thần kinh. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị mệt mỏi, đau đầu, khó ngủ, lo lắng,…
2. Hội chứng ruột kích thích nên ăn gì?
+) Thịt nạc
Thịt nạc (bao gồm thịt gà, nạc heo, nạc bò và các loại nạc động vật khác) là nguồn cung cấp protein rất tốt cho cơ thể. Protein dễ tiêu hóa và không bị lên men do vi khuẩn đường ruột. Vì vậy, tiêu thụ thịt nạc sẽ không làm người bệnh bị đầy hơi hay khó chịu ở bụng. Đồng thời, loại bỏ phần thịt mỡ khi chế biến món ăn sẽ ngăn ngừa chất béo trong mỡ động vật kích hoạt phản ứng viêm của cơ thể.
Người bệnh có thể dễ dàng mua được thịt nạc ở chợ hoặc siêu thị. Tuy nhiên, các nguồn thịt sạch vẫn là lựa chọn tốt nhất để tăng lượng dinh dưỡng và giúp loại bỏ tối đa độc tố tích tụ trong thịt.
+) Trứng
Trứng là một thực phẩm dễ tìm, dễ chế biến và dễ tiêu hóa. Do đó, đây được xem là lựa chọn an toàn cho người bị IBS. Người bệnh có thể luộc chín, hấp hoặc ốp la để thưởng thức các món ngon từ nguyên liệu này.
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là không phải ai cũng ăn được trứng một cách ngon lành. Một số người bị nhạy cảm với protein trong lòng trắng trứng, trong khi những người khác lại bị dị ứng với lòng đỏ trứng. Vì vậy, người bệnh cần cẩn trọng và tiêu thụ từng lượng nhỏ các món ăn từ trứng để biết chúng có phù hợp với mình hay không.
+) Cá hồi và các loại cá giàu omega-3 khác
Axit béo omega-3 có khả năng chống viêm, do đó việc bổ sung lượng omega-3 có thể giúp hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích. Các loại cá giàu omega-3 bao gồm cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi, cá tuyết đen, cá thịt trắng…
+) Các loại rau củ FODMAP thấp
Rau củ chứa nhiều dưỡng chất rất tốt cho đường ruột. Tuy nhiên, một số loại rau có khả năng sản sinh khí gây đầy hơi, khiến nhiều người mắc IBS cảm thấy khó chịu hơn khi tiêu thụ. Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Monash ở Úc đã đưa ra khái niệm FODMAP, giúp phân loại các thực phẩm phù hợp với người có vấn đề về hệ tiêu hóa.
Theo đó, FODMAP là khái niệm chỉ các carbohydrate chuỗi ngắn được hấp thu kém qua đường tiêu hóa. Thực phẩm chứa FODMAP khiến đường ruột khó hấp thụ, gây ra đầy hơi, chướng bụng, có thể đi kèm tiêu chảy hoặc táo bón.
Các loại rau củ FODMAP thấp bao gồm: Cà chua, bí đao, cải thìa, bắp cải, cải xoăn, cải bó xôi khoai lang, khoai tây, ớt chuông… Có nhiều cách để chế biến các thực phẩm này. Tuy nhiên, người bệnh nên nấu chín trước khi ăn thay vì ăn sống.
+) Các loại trái cây FODMAP thấp
Giống như rau củ, trong trái cây cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho đường ruột. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên ăn các loại trái cây FODMAP thấp, đồng thời không ăn quá nhiều trong một lần. Việc ăn quá nhiều trái cây sẽ làm cơ thể bạn quá tải và dẫn đến đầy hơi.
Các loại trái cây người bệnh nên ăn bao gồm:
- Chuối
- Quả việt quất
- Dưa lưới
- Nho
- Kiwi
- Chanh
- Cam quýt
- Đu đủ
- Quả dứa
- Dâu
- Bưởi
+) Quả hạch
Quả hạch là nguồn cung cấp chất xơ, protein và các axit béo omega-3 rất tốt cho cơ thể. Bên cạnh đó, chúng còn chứa chất béo không bão hòa giúp giảm cholesterol, phòng ngừa các bệnh lý tim mạch. Các nghiên cứu cũng cho rằng loại chất béo này tốt cho đường ruột và cải thiện các triệu chứng của IBS.
Một số loại quả hạch FODMAP thấp bao gồm:
- Hạnh nhân
- Quả hạch brazil
- Hạt phỉ
- Hạt mắc ca
- Quả hồ đào
- Hạt thông
- Quả óc chó
3. Người bị hội chứng ruột kích thích kiêng ăn gì?
Nếu người bệnh muốn bảo vệ, cải thiện tình trạng bệnh của mình thật hiệu quả trong và sau khi điều trị bệnh hội chứng ruột kích thích thì nên thực hiện theo chia sẻ của các chuyên gia về hội chứng ruột kích thích không nên ăn gì?
- Thực phẩm tươi sống, chưa được nấu chín kĩ: Rau sống, thịt bò tái, các loại gỏi, nộm, tiết canh…
- Hạn chế ăn thực phẩm chua cay: Dưa cà muối, kim chi… Mặc dù người bệnh vẫn có thể ăn nhưng mà không nên ăn loại đã quá chua, cay.
- Thực phẩm đóng hộp, chế biến sắn: Xúc xích, pate, phô mai, bánh quy, tương ớt, tương cà…
- Hoa quả sấy khô: Vải, mít, nhãn,… Vì chúng có hàm lượng đường khá cao, khi người bệnh ăn vào có thể gây nên tình trạng khó tiêu, đầy bụng.
- Thức ăn có hàm lượng dầu mỡ: Thực phẩm chiên rán, xào,… Bởi khi dung nạp chất béo quá nhiều đường ruột sẽ khó tiêu, khi đó triệu chứng hội chứng ruột kích thích sẽ càng nặng và đau bụng nhiều hơn.
- Thực phẩm chứa chất kích thích, ga: Cà phê, nước ngọt coca, thuốc lá, rượu bia…
- Các chế phẩm từ sữa: Đa phần trong sữa có đường lactose, nên với những người có bệnh về đại tràng sẽ khó tiêu hóa được nên thường sẽ bị tiêu chảy, đau bụng.
- Thực phẩm chứa nhiều axit: Đặc biệt là các loại hoa quả quá chua như cam, chanh,… thì nên hạn chế ăn.
- Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều FODMAP: Gọi tắt cho các phần tử trong thực phẩm thuộc dạng lên men là carbohydrate chuỗi ngắn. Khi dung nạp vào cơ thể của người bệnh đường ruột sẽ gây nên cảm giác khó tiêu, đầy bụng, rối loạn đại tiện…
4. Điều chỉnh chế độ sinh hoạt khi mắc hội chứng ruột kích thích
Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn, người mắc hội chứng ruột kích thích mãn tính nên thay đổi thói quen không tốt trong sinh hoạt để giảm tác hại của bệnh. Một số lưu ý quan trọng là:
- Tránh làm việc quá sức, lo âu, mất ngủ, căng thẳng thần kinh kéo dài.
- Luôn vui vẻ, thoải mái, sống lành mạnh, không cần quá lo lắng về bệnh lý của mình.
- Nên thực hiện các phương pháp giảm stress như tập thể dục, ngồi thiền, tập yoga hoặc lựa chọn các hình thức tập luyện phù hợp, dễ thực hiện.
- Giữ thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ đúng giờ. Người bệnh nên lấy lòng bàn tay xoa nhẹ quanh vùng thượng vị – rốn theo chiều kim đồng hồ vài lần mỗi ngày để kích thích nhu động ruột.
- Luyện tập đi ngoài ngày một lần vào buổi sáng hoặc vào một thời điểm thích hợp, nên xoa bụng trước khi đi ngoài.
Ngoài việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khách hàng nên đi khám định kỳ 6 tháng/lần hoặc khi có dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích để điều trị dứt điểm ngay từ đầu, không để bệnh tiến triển thành mạn tính.